Teen mở Shop thời trang online không còn lạ lẫm gì. Nhưng nếu không đặt "chế độ" cảnh giác cao, teen khó lòng tránh khỏi những vấp váp dẫn tới tiền mất, tật mang. Blog giả và tin nhắn đe dọa
Linh cực ghét một nhỏ bạn cùng trường. Nhỏ ấy lại đang mở một shop thời trang online làm ăn phát đạt nên cô tạo ra cái shop ảo hoàn toàn giống với blog chủ nhân nó. Hình thì giống shop nhỏ bạn 100% nhưng giá bán hời đến mức bất ngờ, nhưng đương nhiên khi khách muốn mua hàng mà để lại message thì nàng chẳng dại mà hồi âm.
"Tớ hoảng hốt khi vô tình bắt gặp một blog shop với những hình ảnh long lanh và giá chỉ bằng một nửa giá của mình" – N phân bua. Cô bạn phải hứng đủ những comment chửi rủa vì nào là bán hàng điêu, nào là để lại lời nhắn mà không trả lời lại.
Trường hợp của T thì dở khóc dở cười hơn, vốn dĩ cô nàng có một blogshop đáng tin cậy, được cư dân mạng truyền tai nhau, nhưng gần đây cô thường phải đối mặt với những tin nhắn hăm dọa. Đầu tiên T nghĩ do lũ bạn trêu đùa nhưng một thời gian sau toàn bộ nick chat, blog đều đã bị hack không vào được, T phải lục tung cả điện thọai lên nhờ vả bạn bè hỏi han để chuộc lại, do đã nhận tiền đặt cọc trước rồi.
Tự chuốc họa cho mình
Không vốn kiến thức về kinh doanh cũng như xác định rõ nguồn hàng, nhiều teen đã tự gây hậu quả cho mình.
Khi mới mở, H thấy có vẻ dễ lời nên đã không ngại vay mượn để có tiền nhập một lượng lớn hàng về, thế nhưng lượng bán không như mọng đợi, chỉ tiêu thục được vài món thế là H ngậm hết một lô hàng khá lớn.
Không thể trả lại cho người bán, cũng không bán được nên đành thú nhận với mẹ để chi khỏan lỗ đó cho mình. Cũng do H thiếu kiến thức về tính toán, không nghĩ đến tiền xe cộ và những nguy cơ rủi ro.
Đáng nói hơn ở đây là một số bạn teen đua đòi nhau mở shop để xem đứa nào bán đắt hơn hay “đo” khả năng chụp ảnh có bắt mắt hay không. Có một số blogshop qua comment chê bai quần áo của nhau để rồi nhiều chuyện không hay xảy ra.
Và những chiêu lừa gạt
Thế giới mạng thì vô cùng đa dạng, vì thế không ít người lợi dụng chiêu thức kinh doanh để làm điều xấu, lừa gạt những chủ shop online hầu hết đang còn là “trẻ con”. Cậu bạn L kể trong ngậm ngùi: “Vì cũng muốn “làm ăn” như các bạn nên mình đặt một số hàng sỉ trên mạng và đặt cọc 70% số tiền. Kết cục là mình đã ăn một cú lừa. Chủ shop đó đã gom số tiền lên đến chục triệu rồi chạy mất tiêu.”
Cô bạn Vy thì một thân một mình bắt xe ôm, đi hết đủ ngóc ngách, đường ngang ngõ dọc để tìm nhà của “khách hàng”. “Khách” hẹn chạy ra đầu hẻm lấy hàng. Giao cho khách bọc quần áo, giầy dép trị giá trên 500k thì “khách” lấy cớ vào nhà lấy tiền rồi lặn không sủi tăm. Tội nghiệp cô bạn, đứng chờ cả nửa tiếng đồng hồ rồi phải đi về trong ấm ức vì biết tìm đâu ra vị thượng đế trong cái hẻm sâu tít, tối hù như thế.
Một vài blog đã đăng tin những web ma nên tránh, vì thế trước khi quyết định mua sắm trên mạng thì teen nên xem xét kỹ nhá.
Đôi khi sự tiện lợi của shop online cũng đem lại nhiều rủi ro, vì thế để đảm bảo các mặt hàng cũng như chất liệu đúng theo mình mong muốn thì các bạn nên mua sắm một cách thực tế hơn, tránh nhiều chuyện không hay xảy ra. Còn các chủ shop thì hết sức cảnh giác với những chiêu lừa tiền mất, tật mang nhé!
Theo Kênh 14