Ai bảo teen luôn sợ kiểm tra? Với những cách thức kiểm tra như dưới đây, thì teen “thích mê” ấy chứ!
1. Chép chép nào
Học trò của thày T (dạy Toán trường K) khóa này qua khóa khác thường rỉ tai nhau: “Yên tâm đi, thày kiểm tra dễ, cho điểm cũng “dễ thở” lắm”. Và những lời “rỉ tai” ấy chẳng sai chút nào. Sau mỗi buổi học, thày thường giao bài về nhà, nhưng hầu hết chỉ là những bài tập trong sách giáo khoa. Giờ học sau, thày kiểm tra bài cũ bằng cách gọi một bạn nào đó lên bảng chữa bài đã giao, lại cho cầm vở đã làm sẵn ở nhà chép thoải mái. Ai cũng đều “khỏe re” vì bài trong sách giáo khoa thường rất dễ, lại có sự “hỗ trợ” của…sách giải hoặc nhờ bạn bè, bài làm lúc nào cũng chỉn chu, chép lên bảng cho thày xem, thế là đã “rinh” điểm 10 ngon ơ. Thảo nào mà ai cũng mơ màng: “Giá thày cô nào cũng thế thì…thích nhỉ!”...
2. Kiểm tra lần lượt
Thông thường, mỗi lần kiểm tra bài cũ, thày cô thường giở sổ điểm ra, rồi gọi một cái tên bất kì lên bảng trả bài. Thế nhưng, cô N, giáo viên dạy Địa trường Y thì lại khác. Cô M gọi lần lượt từng người một, theo đúng thứ tự từ trên xuống dưới trong sổ. Vậy là, nếu hôm nay cô mới gọi đến những người tên bắt đầu bằng A, B, thì những người tên T, V tha hồ nhởn nhơ, còn lâu mới đến lượt mình mà. Theo đó, ai cũng biết hôm nào đến “lượt” mình, và học hành chăm chỉ, chuẩn bị bài thật kĩ càng, hôm sau ung dung lên bảng. Điểm cứ gọi là cao chót vót nhé!
3. Tự… kiểm tra lẫn nhau
Ớ lớp 11 trường V, việc kiểm tra bài cũ môn Địa lý cũng diễn ra “suôn sẻ” không kém. Cô P, giáo viên dạy Địa lý của lớp cho rằng: Để gọi từng người lên bảng kiểm tra sẽ rất mất thời gian.Bởi vậy, cả học kì cô chẳng gọi ai lên bảng bao giờ. Thay vào đó là đến gần cuối kì học, cô dành ra một tiết để làm việc này. Cô báo trước cho cả lớp một bài để học thuộc, chuẩn bị trước về nhà. Sau đó, đến lớp, cô cho kiểm tra theo nhóm, mỗi nhóm có hai người kiểm tra lẫn nhau. Người này đọc cho người kia nghe những gì đã học thuộc và ngược lại, sau đó lại…tự cho điểm lẫn nhau và báo lại cho cô. Tất nhiên là chẳng tội gì không chấm cho nhau điểm cao, vậy là cả lớp toàn…10. Cô lại dễ tính, không bao giờ kiểm tra lại, nên dù kiểm tra lẫn nhau thật, nhưng thực chất là…chẳng ai chịu học bài.
4. Tạm kết
Những hình thức kiểm tra như vậy của thày cô vô tình sẽ làm cho học sinh trở nên thụ động trong chuyện học hành. Điểm thì cao thật đấy, nhưng kiến thức thực chất có được là bao nhiêu?