Tiết học trên lớp không đủ đáp ứng cho teen làm bài tập nên thầy cô chỉ dạy cho xong lý thuyết rồi bắt teen tự về nhà giải bài tập, liệu phương pháp này có ổn?
Không học thêm là “tiêu”
Có lẽ do bài giảng lí thuyết khá nhiều nên thầy cô nào cũng tranh thủ giảng thật nhanh, gọn, lẹ để không bị “cháy” giáo án. Chính tâm lý chung đó nên mặc dù có thương học sinh đến mấy thì thầy cô cũng không thể nào có thời gian dành cho các bạn làm bài tập thêm trên lớp. Anh bạn T (trường MD) chia sẻ: ”Một tuần có đến 4 tiết Anh Văn nhưng cũng không đủ để giải hết bài tập. Mình cảm thấy “chóang” khi lượng kiến thức trong sách giáo khoa khá nhiều mà thời gian làm bài tập thực hành lại không có. Cũng may là buổi chiều được tăng thêm 1 tiết nhưng với teen 12 tụi mình thì 1 tiết ấy chẳng thấm tháp vào đâu”.
Cũng đồng quan điểm với anh bạn T là cô nàng C (trườngTP). Cô bạn cho biết thầy dạy Tóan trên lớp chỉ tòan cung cấp kiến thức mà ít giải bài tập thực hành nên đôi khi bản thân C cảm thấy đuối và không theo kịp, nếu không đi học thêm như bao bạn khác thì chắc chắn C sẽ bị rơi lại phía sau.
Không chỉ ở môn Tóan mà ở khá nhiều bộ môn khác cũng đều bắt gặp tình trạng chung như vậy. Học trò chỉ còn biết “vẫy vùng” trong mớ kiến thức khổng lồ mà thôi.
Bị điểm kém vì thiếu thực hành
Cũng vì không có điều kiện học thêm, chạy theo cách dạy ào ào trên lớp để không bị “cháy” giáo án nên cô bạn M (học tại quận GV) đã chấp nhận điểm kém. M cho biết: ”Trên lớp mình chỉ được nghe giảng lí thuyết, về nhà thì thầy cho một tá bài tập trong khi mình chưa hiểu rõ hết kiến thức thầy giảng nữa nên làm sao giải quyết ngần ấy số bài tập thầy giao, chưa kể có những bài thuộc dạng sao (nâng cao) vựơt quá tầm của mình. Thầy giao mà không làm hết thì hôm sau cứ thế mà trừ điểm. Đành chấp nhận thôi chứ không đi học thêm thì làm sao mà giải bài tập được chứ!”.
Nhiều bạn teen cảm thấp áp lực thật sự khi bước vào những tiết chỉ học lý thuyết mà thiếu tiết thực hành. Đơn giản vì khi không làm được bài tập chắc chắn sẽ bị điểm kém.
Cần thêm những tiết làm bài tập
Mặc dù đã tăng tiết thêm buổi chiều nhưng dường như ở một số trường teen vẫn than vãn rằng không thể nào theo kịp vì chưa nắm vững các dạng bài trong SGK. Có bạn phải chạy vạy học hết chổ này đến chổ kia tận 9h-10h đêm mới về nhà. Teen nào có điều kiện thì không nói gì nhưng những bạn không đủ khả năng học thêm thì chỉ biết tự lực cánh sinh mà thôi. Cô bạn T (trường TP) bức xúc: ”SGK thì cải cách nhưng bản thân mình thì thấy chưa hợp lí lắm, đã cải cách thì phải sắp xếp sao cho teen nhà mình có đủ thời gian để học và thực hành giải bài tập trong SGK chứ cứ học kiểu “nước đến chân mới nhảy” mình e rằng không ổn”. Kiểu học của T nói có nghĩa là bài tập chẳng được giải nhiều, chỉ khi nào gần đến kiểm tra mới phát đề cương và bắt teen làm, vừa áp lực, vừa đuối nên nhiều bạn không thể nào tự tin đặt bút làm bài khi trong đầu chưa nắm vững các dạng bài tập.
Kiểu học nhồi nhét kiến thức mà ít được thực hành, thậm chí không có tiết để thực hành đang là thực trạng hiện nay. Học trò luôn mong muốn được tăng thêm tiết để nắm vững hơn cách giải bài tập, hi vọng rằng nguyện vọng của các bạn sẽ thành sự thật để “học vẫn luôn đi đôi với hành”.