Vì nhiều lí do một số teen hiện nay đang tự tạo áp lực cho chính mình. Đa phần họ là những teen 12 - những người sẽ phải đối mặt với hai kỳ thi quan trọng trong niên học này.
1. Mục tiêu mà chính bản thân cô bạn M (trường HT) đặt ra là phải đỗ thật cao vào 2 trường danh tiếng danh tiếng. Ban đầu M cảm thấy bình thường nhưng càng ngày cô bạn càng cảm thấy lo lắng vì chẳng biết mình có thể đảm nhận nổi trọng trách ấy hay không. Bài vở trên lớp ngày càng nhiều, M thì không phải là một chiếc máy tính nên đôi khi nhận điểm 4,5 các bài kiểm tra. Thế là M lại tự dằn vặt rằng học thế này thì làm sao đậu đại học. Vậy là cô bạn bắt đầu trầm cảm, lao đầu vào học như chẳng màng gì đến xung quanh. Áp lực lớn nhất của M chính là chuyện ba mẹ bạn đang là giáo viên, M mà không đổ ĐH chắc chắn sẽ bị mọi người bàn tán. Hiện giờ M chuyển từ lo lắng sang hốt hỏang và mỗi lần bước vào lớp thì áp lực cứ tiếp tục đè nặng lên đôi vai cô bạn.
2. Là lớp trưởng thì luôn phải đạt được điểm tuyệt đối trong các bài kiểm tra. Đó là áp lực lớn nhất của cô bạn L (trường MD) tự tạo cho mình. Và chính áp lực này làm L ngày càng cảm thấy căng thẳng. Có lần L đã chép tài liệu trên bàn để kiếm bằng được điểm 10 trong một môn kiểm tra mà L học bài không kịp. Có đêm L thức gần 2-3h sáng để học bằng được bài vì bạn nghĩ là lớp trưởng thì kiểm tra phải đạt 10 điểm. Hậu quả là gần đây L bị suy nhược cơ thể thế nhưng cô bạn vẫn chưa thoát khỏi thức đêm học bài vì những điểm 10, vì bản thân cô bạn là lớp trưởng.
3. Khác với 2 trường hợp trên, anh chàng N (trường BC) học chẳng khá gì cho mấy nhưng do anh N đỗ vào một trường ĐH khá danh tiếng nên ba mẹ N tạo áp lực cho anh bạn bằng cách đặt ra chỉ tiêu N cũng phải đỗ cao như thế. Vốn học chẳng giỏi bằng anh trai nên N đâm ra lo lắng. Áp lực ngày càng tăng khi N bị ép đi học thêm hết trung tâm này đến trung tâm khác. Thế là N tìm đến game online nhằm giải tỏa áp lực. Ban đầu là chơi cho vui nhưng càng ngày N càng ghiền và hậu quả là N lấy cả tiền học phí ba mẹ cho đi học để nướng sạch vào game online. Sức học ngày càng sa sút, anh bạn N tậm sự: ”Bây giờ mình còn không biết đậu nổi tốt nghiệp hay không chứ huống gì đến đại học, giấc mơ quá xa vời”...
***
Đã là teen 12 thì chắc hẳn ai cũng muốn mình sẽ đỗ đạt cao. Thế nhưng đừng vì vậy mà tự tạo áp lực cho chính mình. Nếu áp lực đến từ phía phụ huynh thì bạn nên giải thích cho ba mẹ hiểu rằng bạn sẽ cố gắng hết sức nhưng đừng cho rằng nếu không đạt được mục tiêu của họ thì đất trời sẽ sụp đổ. Cô bạn N (trường MD) chia sẻ: ”Ba mình là hiệu trưởng trường LS nhưng bản thân mình không bị áp lực nhiều trong việc học. Mình học theo khả năng của mình, miển sao đạt kết quả tốt là được chứ không chạy theo thành tích”.
Áp lực hay không là do ở chính bạn đấy teen ạ. Học đi đôi với việc vui chơi, giải trí thì tinh thần mới sảng khoái và khi đó bạn sẽ lại có hứng khởi để học tập tốt hơn. Tốt nhất là bạn nên cân bằng giữa việc học và việc vui chơi đồng thời dẹp bỏ những áp lực không đáng có để có thể vững vàng đi hết năm học quan trọng này.