Năm học cũ kết thúc, năm học mới sắp bắt đầu thì cũng là lúc một số teen 10 lên 11 gấp rút chọn một ban khác để học.
"Bởi sau một năm học mới biết mình đã chọn ban nhầm", L.Phượng (năm sau lên lớp 11) cho biết.
1. "Bước vào ngưỡng cửa trường cấp 3-chọn ban theo phong trào"
M.My (lớp 10 trường C), hiện đang học ban tự nhiên, tự thú: "Lúc đầu, mình không tính học ban này, nhưng tụi bạn rủ vô, tụi nó nói học ban này, người ta mới thấy mình giỏi. Nhiều đứa chọn quá, mình chọn ban cơ bản A theo ý mình là bị ra rìa liền. Thế là đành chọn theo".
"Thật sự mình học tốt Văn, Tiếng Anh hơn là Lý, Hóa; nhưng mình vẫn quyết định chọn ban A vì sau này mới có tương lai. Bạn nghĩ xem, học ban D làm sao thi Kinh tế được", H.Diệu nói.
"Tui chọn ban Xã hội nè. Tại sau này sẽ thi Báo chí. Vậy mà nỡ lòng nào cả trường có 5 đứa chọn giống tui à, nên phải qua ban D. Thú thật, có ban Xã hội cũng như không vì tỉ lệ học sinh đăng kí thấp lắm, không thể mở lớp được", P.Khanh (lớp 10 trường M) cho biết.
"Đậu vào trường điểm, tớ còn không biết vào ban nào, nhưng mà thấy đối thủ vào Tự nhiên, nên cũng đăng kí theo luôn", M.Thông hả hê.
2. Và hậu quả...
"Nghĩ xem, một đứa học những môn Tự nhiên giỏi hơn các môn học bài, vậy mà lòi ra môn Sinh phải học, vì nó mà năm nay tui không được học sinh giỏi, tức quá!", N.Trâm (lớp 10 trường N) nói. "Vậy tại sao bạn không học đều?". "Trời! Phân ban thì chỉ học mấy môn nâng cao thôi chứ bạn! Học đều thì thà không phân ban cho rồi". Người viết đành lắc đầu.
"Lên 11 tui qua ban D học. Bây giờ hối hận lắm rồi. Lý, Hóa cả năm trời chẳng hiểu gì hết. Từ học sinh giỏi rớt xuống trung bình. Tui quyết định rồi, thà mình lựa chọn một cách sáng suốt còn hơn là nghe lời đám bạn rồi hối hận", cầm phiếu báo điểm năm lớp 10, K.Uyên buồn bã nói.
"Nghe người ta nói ban tự nhiên là để cho những đứa có nguyện vọng thi khối B vào học, tui cũng ham hố vô để sau này thi Y Dược cho vừa lòng ba mẹ. Vậy mà kết quả học tập thảm hại. Năm sau rất nhiều đứa chuyển qua ban Xã hội nè, tui chuyển nữa, học cho nhẹ nhàng. Tui biết sức mình mà", Y.Vân nói.
3. Vẫn còn những quyết định sáng suốt
"Nói gì thì nói, năm sau nhất quyết không chuyển ban". "Lý do?". "Học ban A khá thoải mái và nhẹ nhàng. Ban D thì không phù hợp với mình. Mình lại không có ý định học nâng cao Sinh để sau này thi khối B nên quyết định của mình là sáng suốt nhất. Khi ta biết rõ sức học và mục đích chọn ban thì kiểu gì cũng học được, đừng đổ thừa cho hoàn cảnh", G.Ân (năm sau lên 11 trường N) cho biết.
"Tuy mình là boy, nhưng vẫn chọn ban D và sẽ học ban D trong suốt 3 năm. Mình học tốt Văn, Anh hơn Lý, Hóa. Và sau này mình cũng thi khối D thôi. Nhờ có mục tiêu rõ ràng mà mình học nhẹ nhàng lắm. Tụi con trai trong lớp khi vào lớp D toàn nữ thì...vọt lẹ, chuyển qua ban A ngay, còn mình thì vẫn học theo quyết định của mình, A.Tuấn cười tươi.
Thanh Thảo (học sinh giỏi trong lớp ban A trường N) nói: "Tại sao mình chọn ban A? Đơn giản là mình không phù hợp với các ban còn lại. Biện pháp loại trừ đó mà. Ban đầu cũng không biết nên học ban nào, nhưng ban Tự nhiên thì mình không thích môn Sinh, ban D thì mình không giỏi Tiếng Anh cho lắm, còn ban Xã hội thì mình không muốn học bài nhiều. Vậy là chọn ban A. Dù Lý, Hóa không giỏi nhưng mình vẫn cố, và kết quả thế nào thì mọi người cũng đã biết".
4. Kết
Trong suốt 3 năm học chương trình phân ban, teen chỉ được chuyển ban duy nhất 1 lần nên các bạn khá dây dưa khi lựa chọn một ban cho mình. Teen thường bị tác động từ bên ngoài khi chọn ban như: theo phong trào, nghe lời ba mẹ, bạn bè...mà không chịu theo quyết định, sự yêu thích của mình, để rồi qua một năm trời mới thấy rõ hậu quả. Thường thì khi đã chuyển ban một rồi không thể quay lại, nên hãy suy nghĩ kĩ trước khi đổi teen nhé!
Đừng chọn ban vì người khác, hãy chọn cho chính mình. Theo niềm đam mê của bạn trước đã, rồi tương lai sẽ chỉ đường cho bạn làm những việc tiếp theo...
Các teen 9 chuẩn bị lên lớp 10, hãy suy nghĩ kĩ khi chọn ban nhé!