Từ xưa đến nay, trong việc học tập, mọi người đều lên án việc quay cóp trong kiểm tra và thi cử.
Tất nhiên, học trò cũng biết đó là điều sai trái, nhưng vẫn liên tục tái phạm, còn một số thầy cô giáo cũng là những người biết rõ nhất, và quen với các mánh khóe của học trò khi quay bài, thế mà thỉnh thoảng cũng nương tay. Tại sao?
Những năm tiểu học, trong đầu óc non nớt của tụi nhỏ, chúng chẳng biết quay bài là gì. Chúng học rất vô tư, và chấp nhận những con điểm kém, chứ không bao giờ mở tập, lật sách cả. Thế nhưng, thành tích của trò cũng ít nhiều phản ánh lên khả năng của thầy - theo quan điểm của nhiều người. Thế là, ngay từ những năm đầu tiểu học, tụi nhỏ đã biết "gian lận", hay nói đúng hơn là "được học cách gian lận".
Nhỏ em họ của tôi, năm nay đã học lớp 6 ở một trường điểm, về kể với mẹ: "Gần đến kì thi học kì, các thầy cô chủ nhiệm thì "nhắc nhở" bạn giỏi phải chỉ bạn kém ngồi cạnh, thậm chí còn nói với mấy bạn học kém là "nếu bí quá, cứ nhìn bạn kế bên". Còn các thầy cô canh thi thì giả bộ "làm lơ" khi thấy cảnh ấy. Mẹ à, hồi lúc thi tốt nghiệp, thầy cô canh thi còn chỉ bài cho tụi con nữa, mà sao lên cấp 2 hông ai chỉ vậy mẹ?". Nghe vừa buồn cười, vừa xót xa. Cô bé thi tốt nghiệp được điểm tuyệt đối nên vô thẳng một trường có tiếng trong thành phố, thế nhưng ngay từ năm đầu vào học, chỉ xếp loại học sinh khá - hậu quả của bệnh thành tích.
Lên cấp 2, bọn trẻ đã có thể "tự tin" quay bài mà không cần thầy cô "nhắc nhở" như trước. Thế nhưng, cấp 2 khác cấp 1. Trong giờ kiểm tra, các cô cậu cấp 2 lười học cố gắng "sáng tạo" ra những cách quay bài tinh vi nhất, bởi lật tập rất dễ phát hiện. Đã từng học cấp 2, tôi đã quá quen với những màn "dán phao vào chân, chép bài tỉ mỉ bằng mũi nhọn của compa lên tờ giấy trắng, viết chi chít chữ trên bàn gỗ, hộp bút, viết ở một góc nhỏ nhất của tờ giấy nháp, luồn phao vào ống viết, viết bài vào bàn tay, thậm chí là xé sách để quay...của đám bạn. Những đứa học yếu quay để trên trung bình thì không sao, nhưng có những học sinh giỏi vẫn quay bài, dù hạnh kiểm tốt! Lý do ư? Thật đơn giản, cũng lại vì bệnh thành tích. H.P, đã từng học trong lớp tuyển của một trường cấp 2, kể: "Vô đó mà không quay bài thì chỉ chịu chết thôi, với lại đâu phải chỉ mình mình quay, cả đám nó quay ấy chứ, mà "đánh lẻ" không à, "trình độ" đứa nào cao siêu hơn thì đứa đó cao điểm hơn, cũng là một thước đo thú vị!". Tôi chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm.
Cấp 2 vẫn được học mấy bài giáo dục công dân về việc trung thực cơ mà. Học sinh cũng thấm nhuần luôn ấy chứ, nhưng vẫn không thể nào thực hiện được. Vì hoàn cảnh, mà cũng không nên đổ thừa cho hoàn cảnh, bởi có những bạn học sinh chưa bao giờ quay bài nhưng học vẫn tốt đó thôi. Về phần các thầy cô, có những thầy cô kỉ luật rất nặng những học sinh quay bài, phần vì muốn học trò tốt hơn, không mắc sai lầm nữa, phần vì muốn làm bài học cho các học sinh khác chưa bị phát hiện trong lúc "quay". Tuy nhiên, cũng có một số thầy cô làm lơ khi thấy học trò quay bài, hỏi bài, bởi, họ cũng quay bài thường xuyên mà!
Dạo trước, khi sách giáo khoa mới cải cách, các thầy cô cấp 1, cấp 2 đều phải đi học đại học tại chức nâng cao tay nghề, ai cũng than thở, già cả rồi, làm sao tiếp thu cho nổi. Chính vì lí lẽ đó mà thầy cô cho phép mình quay bài, trong khi dạy học trò của mình không được gian lận trong thi cử. Năm lớp 7, có một cô giáo bỏ quên xấp giáo án trên bàn học lớp tôi, nhưng có việc đột xuất phải đi ngay, cô nhờ tôi lấy. Vì sơ suất nên tôi lỡ đánh rơi xấp giáo án, và...há hốc mồm trước cảnh...hàng đống phao lớn nhỏ ghi dày đặc, chi chít chữ được photo tỉ mỉ và kẹp vào xấp giáo án của cô. Đỏ cả mặt, cô chẳng biết làm gì hơn nên..."chữa cháy": "Cái này là...cô bắt gặp được khi đi gác thi đấy!", tôi vờ tin. Nhưng làm sao học trò cấp 2 lại có thể có những tài liệu mang toàn nội dung triết học cao siêu đến thế!
Lên cấp 3, không ai quan trọng thành tích nữa, mình học là học cho chính mình. Vì vậy, việc quay bài bị lên án gắt gao. Nhưng đó chỉ là trong các kì thi thôi, chứ trong giờ kiểm tra á, thử "zoom" vào một lớp tuyển xem sao...
Lớp tuyển, chương trình học khá nặng nề, bởi thầy trò đều chỉ quan tâm đến những môn chính, vì thế, thỉnh thoảng thầy cô cũng nương tay cho các môn phụ. Trong giờ kiểm tra, cả lớp làm bài hội đồng mà thầy cô không hay biết, hoặc có biết cũng giả vờ không biết. Không phải bệnh thành tích hay chi cả, mà là "thương học trò" (!!?), thương vì cảm thấy học sinh mang gánh nặng ở các môn khác quá nhiều, nên tha thứ cho môn học bài mệt mỏi này. Riêng các môn khác, thì rất gắt gao. "Tuy nhiên, giờ đây các học sinh cũng không còn tính háo thắng như năm cấp 2 nữa. Bởi vậy họ thường xuyên "giúp đỡ" nhau khi làm bài, đặc biệt là các học sinh trong lớp tuyển", P.K, học lớp 10 trường N.nói thẳng thắn.
Chính vì sự bao che không biên giới này mà hàng loạt tiêu cực xảy ra trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm ngoái. Chính vì sự gian lận liên tục này mà năm ngoái có trường đạt tỉ lệ tốt nghiệp là 0%. Sự khoan dung cho chính mình đã khiến các học trò đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, để rồi mang một lỗ hổng kiến thức khổng lồ từ những lớp dưới, để rồi tiếp tục gian lận, tiếp tục quay bài ở giảng đường đại học (nếu may mắn được vào).
Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng gian lận như thế. Ở một tỉnh nọ đã từng xôn xao chuyện một học sinh không chấp nhận danh hiệu học sinh giỏi của mình vì thầy cô đã nâng đỡ. Trong một lớp học không phải bạn nào cũng quay bài, thậm chí họ lên án ngầm việc đó vì "thấp cổ bé miệng", nhưng thành tích của họ vẫn giỏi. Bạn thử nghĩ xem, bạn được điểm 7 do chính sức học của mình thì bạn tự hào hơn rất nhiều so với điểm 10 mà quay cóp. Đôi khi, việc quay cóp khiến bạn luôn phập phồng, lo lắng vì mặc cảm tội lỗi. Muốn được điểm cao, sao phải đánh đổi nhiều thứ đến thế hả bạn? Chưa biết chừng, khi bị phát giác, điểm của bạn còn tệ hơn điểm mà bạn tự lực làm.
Việc quay cóp vẫn tồn tại, chứng tỏ chúng ta vẫn còn xem trọng điểm số, bằng cấp hơn là năng lực thật sự. Dù biết đó là điều sai trái, hổ thẹn với lương tâm, nhưng học trò không thể thoát khỏi cạm bẫy được điểm cao, được lên lớp. Dù được dạy khá kĩ các bài học đạo đức từ những lớp dưới, nhưng mấy ai nghiêm túc thực hiện, khi vẫn còn tồn tại bệnh thành tích ở một số trường?
Mong rằng trong kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm nay, việc quay bài sẽ giảm đến mức tối thiểu. Mong thế là vì, ai cũng biết, không thể không có tiêu cực trong kì thi "quan trọng của đời người" này.