– Đi taxi ở Thái Lan, người tài xế hỏi: “You’re so beautiful. Where are you from?”, Việt Hà (16 tuổi) thản nhiên trả lời: “I’m from Korean”. Đây chỉ là một ví dụ rất “bình thường” trong xu hướng “sính ngoại” của một số teen Việt.
Tự biến mình thành người ngoại quốcCuộc sống ngày càng phát triển, người người nhà nhà đua nhau mua sắm, tiêu dùng đồ ngoại, kéo theo teen - những “thượng đế nhí” vào cơn bão sính ngoại. Mặc đồ hiệu, đầu tóc sành điệu… thật ra chẳng có gì đáng chê trách, mà đôi khi là rất đáng khen vì teen mình đã biết làm đẹp cho bản thân. Tuy nhiên, câu chuyện “sính ngoại” bắt đầu xảy ra khi một số teen tự biến mình thành người ngoại quốc.
Ăn mặc có style, đeo contact lense khói, môi nhỏ với giọng nói dễ thương , Phương Linh (17 tuổi) trông giống như một cô gái Nhật Bản. Đi du lịch nước ngoài, ai mà hỏi bạn đến từ đâu, Linh đều thản nhiên trả lời rằng bạn là người Nhật Bản. Khi hỏi Linh vì sao lại trả lời thế, cô nàng còn thản nhiên hơn: “Người Việt Nam mình ở nước ngoài hay có tiếng xấu, thà mình trả lời là người nước khác chứ nhận là Vietnamese nhỡ bị ghét thì còn mệt hơn!”.
Ngồi trên máy bay, khi được tiếp viên hỏi có uống nước gì không bằng Tiếng Việt, Hoàng (15 tuổi) thản nhiên giả vờ không hiểu cô tiếp viên nói gì, rồi hỏi lại bằng Tiếng Anh. Lí do của cậu thật dễ hiểu: “ Cứ để ý mà xem, nếu nhận mình là người Việt chắc chắn sẽ không được phục vụ tận tình bằng người nước ngoài. Xem chừng cứ giả vờ là Tây lại được phục vụ tốt, còn dễ chịu hơn”.
Khi “người Việt Nam” trở thành tính từ
Ngày nay, rất ít khi ta thấy được cảnh người dân ta xếp hàng ngay ngắn ở nơi công cộng. Thay vào đó là hình ảnh chen lấn, xô đẩy nhau, đôi khi còn gây ra xô xát.
Thu Quỳnh (du học sinh bên Anh): “Ngày Tết bao giờ cũng thấy mẹ cùng dì chen lấn trước một cửa hàng bán bánh chưng ở phố Hàng Bông để mua cho kì được đủ đồ cúng gia tiên. Sang bên này, thực sự thấy lạ khi đi mua đồ gì, nếu quá đông, mọi người sẽ xếp hàng chứ không có xô đẩy, cố mua cho riêng mình như ở Việt Nam”.
Hành động tưởng chừng như đơn giản của người lớn, giờ lại ảnh hưởng sâu đến nhận thức của teen.
Đi mua vé tháng học lò luyện thi, teen sẽ thấy ngay cảnh hàng trăm bạn cùng chúm đầu chạy vào bàn đăng kí, không hề có ai yêu cầu xếp hàng hoặc tự nguyện xếp hàng, tất cả đều mạnh ai nấy chạy. Chưa hết, nếu ai từng chứng kiến cảnh các bạn học sinh đứng chờ ở cầu thang cả tiếng đồng hồ trước giờ học, để rồi khi cửa lớp học vừa mở, tất cả chạy nhào tới chen lấn tơi bời… sẽ không khỏi thắc mắc tại sao ý thức xếp hang và văn hoá chờ đợi của chúng ta kém đến thế.
Chen lấn, xô đẩy…, rồi một số người chen lấn, xô đẩy nhau chỉ để xem ở đó… có chuyện gì xảy ra! Thấy một vụ tai nạn trên đường, tất cả người dân xung quanh xúm đông xúm đỏ vào xem nhưng chẳng ai gọi xe cấp cứu đến.
Hôm vừa rồi có xảy ra cháy lớn tại một nhà hàng trên phố Hàng Tre, cả đoạn phố ùn tắc lại không phải vì 2 xe cứu hỏa, mà “nhờ” sự hỗ trợ của đông đảo người dân hiếu kỳ xung quanh. Vẫn còn nhớ cảm nghĩ của một thực khách lúc đó trong nhà hàng: “Trong khi tôi đang hốt hoảng cố gắng chạy ra vì sợ đám khói, thì tôi nhớ mãi hình ảnh một thanh niên mặt cười hớn hở chạy đến để xem!”.
Tất cả những hành động như vậy đều bị người ta đánh giá thẳng tưng: “Đúng là người Việt Nam!”. Một số teen Việt còn cực đoan hơn, biết rằng các bạn đó không adua theo cái xấu; nhưng lại nhận xét: “Người Việt Nam mà!”, cứ như thể, “người Việt Nam” là một tính từ xấu!
Cần sự nhận thức đúng đắn
Rất nhiều bài báo kêu gọi không làm Người Việt xấu xí…, nhưng có lẽ đều chưa đủ. Tất cả những kết quả ngày hôm nay dù ít, dù nhiều, cũng đều từ việc làm ý thức hay vô thức của mọi người.
Nhớ lại một câu rất “trẻ con” trong phim “Mean girls”: “Trên đời này có 2 loại người xấu: Người làm việc xấu và kẻ thấy việc xấu mà không ngăn chặn”. Đôi khi chúng ta nhìn việc xấu của người khác và cho đó là chuyện bình thường, chúng ta nghĩ rằng: “Nhiều người làm rồi, cớ gì mình không làm theo!”
Mong rằng thế hệ teen hôm nay, những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ sớm thay đổi suy nghĩ và nhận thức của chính mình – để tránh việc tự biến người dân của đất nước thành một tính từ xấu. Hãy tự học lấy trách nhiệm cộng đồng, chứ đừng “kế thừa” những văn hóa “xấu xí”, teen nhé!