. Coi chừng học lệch..
Với tâm lý :” Thi ĐH mới là kì thi quan trọng quyết định chứ tốt nghiệp thì đủ đậu được rồi...” nên một bộ phận teens 12, nhất là những nhân học khá trở lên, thường có ý định chỉ tập trung vào 3 môn thi ĐH ngay từ đầu năm. Những môn còn lại thì học tàn tàn đủ trung bình là được.
Sự thật: Đúng là kì thi ĐH là quan trọng và sẽ quyết định ngã rẽ tương lai của bạn. Nhưng nếu không đậu tốt nghiệp, bạn sẽ không được tham dự kì thi ĐH.
Và một thực tế khá phũ phàng là hàng năm vẫn có một lượng thí sinh không nhỏ rớt tốt nghiệp. Hơn nữa năm nay, Bộ giáo dục sẽ không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2.
Đề thi tốt nghiệp có thể là “dễ”, nhưng thực chất thì chỉ “dễ” với những ai học hành đầy đủ. Vả lại bạn cũng không biết 3 môn mình sẽ thi là gì (bên cạnh 3 môn chính Toán, Văn, Anh) cho tới cuối tháng 3. Với những môn học bài như Sử, Địa...liệu bạn có dám chắc là mình sẽ “nuốt” hết khối lượng kiến thức dày đặc một cách trơn tru chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi thi nếu không học nghiêm túc ngay từ đầu?
Vì thế cho dù thi TN hay thi ĐH thì cũng đều quan trọng như nhau. Tốt nhất là bạn nên học đều các môn ngày từ đầu năm và phân bổ thời gian hợp lý cho từng môn.
2. Coi chừng chủ quan
Có một số teen vào lớp 12 với tâm trạng khá ung dung vì: ”Hồi hè học qua hết rồi!” nên vào lớp không nghe giảng, chỉ lo cắm cúi làm bài tập trót “bỏ quên” hay học những môn khác. Thậm chí chỉ là để làm bài tập của lớp học thêm.
Sự thật: Không phải ai học trước cũng là giỏi và chưa chắc bạn học trước thì đã nắm chắc 100% kiến thức cần. Cho dù bạn mang tiếng “biết trước”, nhưng cũng không đảm bảo là bạn đã vận dụng nó chính xác và thành thạo.
Hơn thế, có những cách làm, cách trình bày mà bạn được học ở lớp học thêm nhưng có khi lại không phù hợp với thầy cô dạy trên trường. Và đôi khi điều đó có thể sẽ khiến bạn “mất điểm” trong bài kiểm tra.
Nghe giảng bài trên lớp chưa bao giờ là thừa và đó là một cách để củng cố lại kiến thức giúp bạn nhớ lâu hơn. Và nghe giảng bài sẽ giúp bạn thu thập được những bí quyết và kinh nghiệm cho dù nhỏ xíu đi chăng nữa thì cũng luôn cần thiết vì phần lớn những thầy cô dạy 12 là những kho tàng kinh nghiệm cho bạn học hỏi đấy.
3. Coi chừng “ảo tưởng”
Thứ nhất: Trong kì thi ĐH hàng năm, không thiếu những sĩ tử vì ảo tưởng về sức học của mình mà chọn trường không vừa sức, đánh mất cơ hội của bản thân. Như T.N (THPT.L) nhất quyết vào trường ĐH Y cho đúng ý ba mẹ dù cho sức học của N. chỉ ở mức trung bình khá. Bạn bè xung quanh lẫn cô giáo chủ nhiệm ai cũng khuyên N. nên suy nghĩ kĩ nhưng N. thì vẫn ảo tưởng rằng: ”Mình sẽ vào được Y mà !”.Kết quả, cô bạn rớt trường Y với số điểm trên sàn một chút.
Thứ hai: Những teens được ba mẹ chuẩn bị cho đi du học thì với tâm lý “đàng nào cũng đi” nên thường bỏ bê việc học. Như N.T biết mình sắp được đi Mỹ du học, chỉ còn chờ phỏng vấn visa nên cô bạn không lo chú tâm học hành, điểm dưới TB liên tục khiến cô chủ nhiệm không ít lần báo động. Nhưng T.vẫn “tỉnh như không”. May là T.đi được. Nếu không có lẽ cô bạn sẽ phải “bơi mệt nghỉ” vì từ đầu năm chẳng học gì.
Coi chừng này không nên thiếu với những ai đang học 12. Hãy dành một thời gian nhỏ và nghiêm túc suy nghĩ về ngành nghề bạn muốn học cũng như trường bạn sẽ thi vào trong kì thi ĐH.
Việc bạn tự tin vào sức mình là tốt. Nhưng bạn cũng nên nhìn nhận lại kết quả hai năm học trước cũng như thái độ học hành, kết quả trong năm 12 của mình trước thời khắc quan trọng là đặt bút ghi hồ sơ thi ĐH.
Một sự nhìn nhận khách quan về sức học, khả năng thực chất của mình cộng với ước muốn, sở thích học ngành nghề nào sẽ giúp bạn không “ảo tưởng” mà còn chọn trường phù hợp tiến gần hơn với ước mơ của mình.
Còn nếu sắp lên đường du học, bạn cũng không nên quá “yên tâm” vì một vài trục trặc trong hồ sơ cũng có thể khiến bạn ở lại. Không ai có thể biết trước điều đó nên hãy học hành nghiêm túc cho đến ngày bạn lên đường, điều đó sẽ đảm bảo hơn cho bạn dù cho có bất trắc gì xảy ra.