Từ khi biết mình được vào lớp chọn trong một trường điểm, V.T (lớp 10 trường N) bắt đầu tỏ ra "chanh hỏi".
"Mình học lớp tuyển đó nha!"
Đậu vào trường N - một trường có tiếng trong thành phố, V.T cảm thấy rất tự hào, phấn khởi hơn nữa là V.T được vào lớp tuyển vì số điểm khá cao. Hơn nữa, các thầy cô cũng hay "phân biệt đối xử" kiểu như: "Các em học lớp tuyển, vì vậy phải học sao cho xứng đáng khi được ngồi vào lớp này nhé!", "Đề kiểm tra của lớp thường khác, lớp tuyển khác", "Một bài toán đơn giản mà em không làm được ư? Đây là một điều không thể chấp nhận được đối với một học sinh lớp tuyển...". Vì vậy V.T mang tâm lý ta đây giỏi, ta đây là "ngôi sao". Đi đâu cũng hỏi bạn bè học A mấy để có dịp khoe cái mã A1 của mình.
Tương tự V.T, M.X (lớp 10 trường T) cũng tỏ ra tương tự. Càng sốc hơn khi cô bạn tuyên bố: "Chỉ chơi với học sinh lớp tuyển A1, A2, A3, còn mấy lớp khác, miễn! Thật khó chịu khi người khác không hiểu những câu "hàm ý" của mình! Cùng đẳng cấp dễ dàng trao đổi hơn!"
Mang tâm lý lớp tuyển nên một số teen luôn vênh mặt khi học thể dục, học ngoại khoá chung với lớp khác. Điều này càng khiến những "thường dân" ấm ức tự hỏi: "Lớp chọn và lớp thường khác nhau chỗ nào?"
Zoom vào lớp chọn
Lớp chọn là lớp có đầu vào chất lượng và đầu ra cao. Lớp chọn là do nhà trường tự xếp (khác với lớp chuyên). Những học sinh được tuyển vào đa phần đều điểm rất cao. Thầy cô dạy giỏi, thường cho bài tập và đề kiểm tra nâng cao. Sức học dàn trải đều. Sự chênh lệch giữa giỏi và khá không đáng kể. Đôi khi phải cố học hết sức để theo kịp bạn bè.
Tuy vậy, sau một thời gian mới biết rõ sức học của từng thành viên trong lớp. P.T (lớp 11 trường N) học lớp chọn, nhưng cũng thi lại môn Toán mới leo lên được 11, dù điểm thi tuyển của P.T năm ngoái cao ngất ngây: 43.75 điểm, trong khi học sinh giỏi nhất lớp ấy có điểm đầu vào là 42.
Không phải lớp chọn nào cũng học dữ dội, có đôi khi họ đã được "rèn" quá nhiều nên dần hình thành "phản xạ" trước các bài tập. Thông minh thì có thật đấy, nhưng lười thì...khỏi chê. Có lần hơn một nửa trong lớp 10A1 trường T không làm bài tập về nhà.
...Và lớp thường
Lớp thường thì có sự chênh lệch trình độ rõ rệt. Điểm đầu vào thường mấp mé điểm chuẩn. Theo suy nghĩ của P.L (đang học lớp chọn) thì: "Hồi cấp 2 mình toàn học khá thôi. Vậy mà thi tuyển, trúng tủ, được 41 điểm và nghiễm nhiên vào lớp chọn. Mình học vậy còn vào lớp chọn thì chắc lớp thường "í ẹ" lắm!"
Nếu ai cũng nghĩ như P.L thì quả là sai lầm hoàn toàn. Bởi có vài "thiên tài không gặp may" trong lớp thường. Vì một lý do nào đó mà thiếu 0.25 - 0.5 là được vào lớp tuyển. Trình độ học cực siêu. Và vì quyết tâm học tập để không bị mang tiếng "lớp thường chắc học dở lắm", họ cố gắng học tập, đôi khi trình độ hơn cả những học sinh lớp chọn. Nghiễm nhiên, nếu kết quả quá tốt thì năm sau họ sẽ được nhà trường xếp thẳng lên các lớp đầu.
Không thể phủ nhận rằng lớp thường hoà đồng và đoàn kết hơn so với lớp chọn. Bởi họ không so đo và có nhiều thời gian tìm hiểu nhau hơn, không đi học thêm nhiều, học cũng khá thoải mái, linh hoạt, chủ động.
Lớp chọn ơi, hãy khiêm tốn!
Bạn V.T sau một năm học lớp chọn, đã bị "văng ra" và xuống lớp thường bởi tính ỷ lại, nghĩ rằng ta đây đã giỏi nên không cần cố gắng thêm. Một trong số những bạn bị V.T "kênh mặt" thì giờ đã dễ dàng ngồi vào lớp A1 của cô nàng. Lúc ấy V.T vừa xấu hổ, vừa tức không kể đâu cho hết.
Có thể, được vào lớp chọn sẽ là động lực lớn thúc đẩy bạn học tốt hơn, nhưng đối với những bạn tự hài lòng quá sớm với bản thân mình thì tình thế sẽ bị đảo ngược. Không phải ai cũng may mắn khi vào lớp chọn, điều đó đúng, nhưng chưa hẳn lớp thường học không bằng lớp chọn. Vì vậy, hãy khiêm tốn và cố gắng ngầm, mỗi ngày bạn sẽ thành công một chút, còn hơn là thất bại ê chề vì cái mác "lớp chọn, lớp tuyển" của mình!