Chỉ cần sự quyết tâm, nỗ lực hết mình cộng thêm phương pháp đúng, việc học tập của bạn sẽ đạt được những kết quả thật tốt!
Chiêu thức 1
Hải Anh (cựu học sinh trường Nguyễn Du) phải đắn đo khá lâu mới quyết định chọn khối C để thi Đại học. Chả là Hải Anh học các môn tự nhiên trội hơn, nhưng ước mơ của cả gia đình và trong đó có Hải Anh lại là cô giáo dạy...văn cơ. Khổ nỗi, mặc dù môn sử, địa không thành vấn đề, nhớ, đọc vanh vách từng sự kiện đối với Hải Anh chỉ là chuyện nhỏ thì môn văn, dù thích, nhưng kiểm tra ở lớp toàn...5 với 6.
Ý thức được điều đó nến cả hai tháng hè lớp 11, Hải Anh quyết tâm “lật ngược tình hình”. Bỏ qua những địa chỉ “lò hay, lò tốt” do người quen hay bạn bè giới thiêu, Hải Anh quyết định ở nhà và...tự học. Đầu tiên là rà soát lại tất cả các tác phẩm trong sách, tác phẩm nào cũng đọc thật kĩ vở giảng văn ở lớp, say đó đọc thêm nhiều tài liệu phân tích bình giảng. Cuối cùng Hải Anh tìm trong sách hoặc tự mình...ra đề kiểm tra, chịu khó cần mẫn ngồi viết y như đi thi vậy. Bài viết xong thì đem đến nhờ cô giáo chấm hộ. Tất nhiên là cô giáo không từ chối, ngược lại còn nhiệt tình giúp đỡ cô học sinh chăm chỉ, cần cù nữa chứ. Ở mỗi bài, cô đều chấm kĩ, phê từng chi tiết nhỏ nhất, sửa chữa từng câu từng chữ chưa chuẩn. Như vậy là từ chỗ hiểu sơ sơ, giờ đây Hải Anh không những hiểu kĩ bài, nhớ lâu mà qua nhiều lần viết, vốn từ cũng tăng lên đáng kể, câu chữ mượt mà, chắc chắn hơn nhiều. Cả lớp 12, cô nàng đều ôn thi với “chiêu thức” tương tự. Và Hải Anh đã đạt 8,5 văn trong kì thi đại học vừa qua đấy!
Chiêu thức 2
Là của một nhóm gồm 5 tên con trai chơi cực thân với nhau. Trong 5 người thì gia đình Long có điều kiện rất khá giả nên thường xuyên thuê gia sư giỏi về kèm riêng cho Long môn Toán. Vậy là cũng từ đó, cứ thứ 7 Long học gia sư xong thì chiều chủ nhật cả 5 tên lại tập trung nhau lại để học nhóm. Tất cả những gì Long học được đều “rút” hết ra nói lại cho mọi người nghe, bài tập thực hành thày cho thì lôi ra cả hội cùng “mổ xẻ”, “ngâm cứu” cách giải cho thật “ngấm”, làm thêm các bài tập dạng đó trong các sách khác nhau nữa để cho thật thành thạo, nhớ công thức. Ai còn chưa “thông” thì cả 4 tên còn lại...tranh nhau giảng giúp. Bằng cách đó mà lực học của ai cũng tăng lên vùn vụt, dù có hay không có gia sư kèm cặp.
Tuy nhiên, 5 anh chàng này cũng thừa nhận một sự bất lợi khi học nhóm, đó là phí thời gian cho khoản...buôn dưa lê!
Chiêu thức 3
Là chiêu thức biến học sinh thành...cô giáo. Chiêu thức này đang được áp dụng ở cực nhiều trường tại Hà Nội, và hiệu quả thì khỏi phải nói nhé. Là thế này: Với mỗi một bài mới, thày cô sẽ giao trước để mọi người về chuẩn bị, tìm hiểu trước, soạn bài...Giờ học trên lớp sẽ bắt đầu bằng việc thày cô chỉ định nhân vật sẽ làm “thày/cô giáo” hôm nay. Bạn nào có được “vinh dự” ấy tất nhiên là sẽ thấy cực sung sướng, đem “giáo án” là bài chuẩn bị trước ở nhà, cũng phấn, cũng bảng, cũng giảng giải, trình bày các vấn đề trong bài mới...Giờ học này thường mang tính chất “mở”, “học sinh” ngồi dưới tha hồ tranh luận, phát biểu, thậm chí góp ý nhiệt tình nếu bài giảng của “thày/cô” chưa rõ ràng, chưa dễ hiểu, chưa được chuẩn bị kĩ hoặc hiểu chưa sát vấn đề nào đó...
Cuối cùng, thầy cô của chúng mình mới “ra tay”, lên nhận xét sự chuẩn bị bài, bài giảng, giảng lại những phần chưa rõ ràng, phần khó, tổng kết lại những kiến thức cơ bản của bài...
Ai cũng khẳng định đây là hình thức học cực kì hứng thú, “ngấm” kiến thức cực tốt. Thậm chí, nhiều lớp “mê” quá, còn tự tổ chức thêm những buổi học riêng tương tự như vậy, để những bạn học khá giúp đỡ các bạn học kém hơn mà.
Linh (lớp 11): “Sau những lần được đứng trên bục giảng, mình bỗng nhận ra rằng, mình thực sự thích được làm giáo viên. Và mình cũng chẳng còn phải đắn đo sẽ thi Đại học trường nào nữa. Chắc chắn mình sẽ cố gắng để trở thành một cô giáo mà!”.
Những chiêu thức như trên là những gợi ý rất hay ho cho chúng mình đấy, teens ạ!