Các kiểu quấy rối này làm cho teen căng thẳng trầm trọng, chẳng tập trung học hành gì được, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ không biết hôm nay chuyện gì sẽ xảy đến với mình.
1. Hăm đánh
P.L (lớp 10 trường L) khá dễ thương và có phong cách ăn mặc rất cá tính, nói nôm na là "không đụng hàng", lại thêm phong cách vô tư của cô nàng từ những năm cấp 2 khiến nhiều chị 11, 12 cảm thấy "chướng mắt". Thế là cô nàng nằm "trong tầm ngắm", bị rất nhiều nhóm gửi thư nặc danh chửi bới, hăm dọa, nói rằng nếu không sửa đổi tính nết thì có ngày gương mặt không còn trét phấn tô son được nữa. Hoảng quá, L đổi phong cách ngay, và bắt đầu hiền hơn. Cô bạn luôn nơm nớp lo sợ vì chẳng hiểu sao dù đã đổi cách ăn mặc, đi đứng, nói chuyện nhưng mỗi lần ra về, L đều thấy có ai dõi theo đằng sau, hoặc cả một nhóm nữ sinh cố tình va vào L, xô cô bạn khi lên hoặc xuống cầu thang. P.L tức tưởi: "Thà mấy người đó đánh mình một lần rồi xong, chứ cứ như vầy chắc mình chuyển trường quá! Thật sự mình chẳng hề đụng chạm đến ai và cũng thay đổi theo ý họ cơ mà!"
Kiểu quấy rối này còn làm cho teen căng thẳng trầm trọng, chẳng tập trung học hành gì được, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ không biết hôm nay chuyện gì sẽ xảy đến với mình.
Cách giải quyết tình huống: Nếu lỡ không may lâm vào tình huống này, cách giải quyết khá đơn giản. Bạn chỉ cần nhượng bộ và trút bỏ "cái tôi" của mình, nhờ một người bạn nói chuyện dễ thương, dung hòa và nghiêm túc xin họ một cái hẹn. Sau đó, tất nhiên một mình bạn không thể "chống đỡ" nổi khi không khí căng thẳng. Nhưng chỉ cần bạn nói nhỏ nhẹ, và mỉm cười, tỏ vẻ nể sợ thì họ sẽ không bao giờ đánh bạn! Bởi họ cũng dễ mủi lòng như bao người bình thường khác. Không chừng từ "thù" thành "bạn" đấy teen ạ!
2. Phá điện thoại
Đây là trò của những kẻ "ăn không ngồi rồi" nhằm lấy nỗi bất an của người khác mua vui cho tinh thần của họ. Các "bé teen" 13, 14 tuổi thường bị hơn là các "đàn anh đàn chị", bởi các bé ấy còn nhẹ dạ, dễ cho người lạ (hoặc mới quen sơ sơ) số điện thoại nhà, di động...
T.P (lớp 11 trường N) kể: "Cả năm cấp 2, nỗi ám ảnh của mình là nghe tiếng chuông điện thoại bàn. Bởi tụi bạn phá ngày đêm, bất kể giờ giấc. Sáng, reo hai ba tiếng, mình nhấc máy lên rồi để đó cả tiếng đồng hồ, đầu dây bên kia vẫn không cúp máy! Khuya cũng có người gọi, nhấc máy lên không trả lời hoặc chửi tục, có khi còn tỏ tình làm mình xanh mặt!". Sáng sớm cũng bị phá. Thật sự vào thời điểm ấy mình hoảng loạn lắm. Mình chịu đựng thì không sao, nhưng ba mẹ cứ chì chiết, la mắng làm mình thấy tội lỗi lắm. Điều tra thì không thu thập được gì! Bởi vậy, giờ lớn rồi, mình cũng chẳng bao giờ dám cho ai số điện thoại bàn, dù là bạn rất thân".
Trong tình huống này, cách giải quyết của bạn là: Đăng ký ngay dịch vụ hiển thị số điện thoại, đó là cách tốt nhất để bạn phát hiện ra "thủ phạm". Hoặc rút dây điện thoại khi đi ngủ, tránh cho người lạ số điện thoại bàn mà hãy cho số di động của ba hoặc mẹ. Hay hơn nữa là bạn tỏ vẻ dửng dưng khi bị phá điện thoại, hoặc để điện thoại reo liên tục. Sau một thời gian, những kẻ rảnh rỗi ấy cũng chán mà buông.
3. "Khủng bố" online
Những kẻ khủng bố ấy thường spam đến mức chatbox hiện đầy trên màn hình đến mức đứng máy, hoặc "chat sex" khiến bạn hoảng loạn, đôi khi buzz liên tục mà không có mục đích rõ rệt, hoặc cứ send những đường link vớ vẩn, những mẩu truyện cười không buồn cười hoặc những dòng tin mang nội dung cá nhân. Điều này cũng khiến một số chatter cảm thấy mệt mỏi khi vào yahoo!messenger hay blog đấy ạ!
"Tips" cho bạn: Dùng hai nick, một nick chỉ dành cho bạn bè, người thân trong gia đình và một nick ảo để add những người lạ. Bạn có thể ignore và "report as a spam" đối với những nick hay quấy rối. Xem xét kỹ khi add nick ai đó và nhắn với bạn bè rằng đừng "send all list" những tin nhắn mang tính chất cá nhân không cần thiết.
4. Tống tình
Những kẻ này thật sự cũng chẳng yêu thương gì "nạn nhân". Họ chỉ muốn "trả thù" vì thất tình hoặc "làm cho người không yêu mình cảm thấy đau khổ và dằn vặt". Thường là những bức thư tình nặc danh, những món quà mang ý nghĩa tiêu cực như trái tim bị vỡ, dao, súng (giả)...theo nạn nhân từ trường đến nhà và ngược lại. Tóm lại, những tên đó bệnh hoạn vô cùng. Người bị khủng bố không những cảm thấy sợ hãi mà còn mất niềm tin khi không ngờ lại nhận ra "bộ mặt thật" của "thủ phạm".
Cắt đuôi: Ban đầu, hãy nói chuyện với kẻ "tống tình", nói một cách lịch sự và nghiêm túc để cho họ thấy rằng bạn vẫn rất tôn trọng và quý mến họ, vì vậy không có lý do gì để họ làm hại bạn cả. Nếu giải pháp ấy không xi nhê thì mỗi ngày cứ đi học với một bạn khác giới nào đó (nếu cứ đi với một bạn duy nhất, không chừng thủ phạm hiểu lầm và "cứu tinh" của bạn cũng bị vạ lây) để cho tên ấy biết rằng bạn luôn an toàn, còn lâu hắn mới dám đụng đến bạn! Hoặc qua thẳng nhà hắn, nói việc này cho gia đình hắn biết, đồng thời liên lạc với nhà trường và gia đình của bạn, cả ba sẽ liên kết với nhau một cách "hùng mạnh" để cho bạn sự thoải mái cần thiết. Người lớn sẽ luôn có cách bảo vệ cho bạn!