"Mọt" ở đây không hẳn là siêng năng thật sự, nhưng tham vọng thì luôn tràn trề và họ lao vào cuộc "đua" để đạt thành tích.
Kiếm từng 0.25
Trong một lớp chọn ở trường điểm X, thành tích học tập của từng thành viên đều xêm xêm nhau. Thậm chí có đến 15 teens cùng đồng hạng, nên chỉ cần "dưới trướng" 0.1 thôi là rớt xuống 15 bậc oan ức. Chính vì thế, không ai bảo ai, mọi người đều...ra sức "chắt chiu" từng 0.25.
Bài kiểm tra một tiết Sử gồm 40 câu trắc nghiệm, trong đó có một đề bị chấm nhầm ở câu cuối cùng nên ai làm đề đó sẽ được cộng thêm 0.25, nhưng giáo viên nói: "Các em hãy xem lại bài của mình, nếu sai 0.5 điểm trở lên mới được sửa, còn 0.25 thì thôi". Vậy mà thiên hạ ráo riết năn nỉ cô cho sửa luôn 0.25. P.L (lớp 11 trường N) hớn hở: "Mình được 9.75, may có câu này nên thành 10. Nghĩ xem, nhân lên hệ số, mất 0.25 là mất nửa điểm, mất nửa điểm thì tụt xuống 0.1 điểm phẩy như chơi, mình tính hết rồi. Lần này cao nhất lớp, vui không kể xiết!"
Chỉ mới bài kiểm tra thôi mà đã như vậy, huống hồ đến kì thi. Cô X (dạy môn Sinh trường T) nói: "Dường như cô sửa bài để cho học sinh so đáp án mà kiện điểm hay sao ấy, chẳng thấy ai hỏi sâu vấn đề mà cứ dò đi dò lại đáp án trắc nghiệm, kiện tụng về việc cho điểm phần tự luận, không thấy điểm nâng lên mà cô còn chỉ ra những chỗ sai sót được bỏ qua. Vậy mà lúc nào cũng kiện, cô cảm thấy không thật sự thoải mái!"
Chấp nhận "mang tiếng"
Đối với một số "thần dân" học ban tự nhiên thì các môn xã hội là một "nỗi kinh hoàng". Vì thế, một là cùng "đoàn kết để làm việc", hai là "cố gắng học vẹt để được điểm cao", và những người rơi vào trường hợp thứ hai chỉ có thể là những tên "mọt" thích đua top.
K.U (lớp 12 trường M): "Nhỏ lớp phó lớp mình nhé, hỏi cái gì không bao giờ chỉ đâu, trong khi nó hỏi bài mình lia chia, điểm cao thì hớn hở ra mặt, điểm thấp thì khóc, gặp ai cũng hỏi họ mấy điểm, nói chung học hành theo kiểu của nó khó có bản lĩnh vượt qua những cú sốc lớn hơn".
M.N (lớp 10 trường T) đã nổi tiếng từ khi vào trường vì số điểm đầu vào cao ngất ngưởng, cũng chính vì thế mà cô bé lo sợ: "Nếu vậy thì giờ kiểm tra nhiều đứa hỏi bài lắm, hoặc mượn tập nữa. Vì vậy chắc phải tìm cách nào đó tránh xa tụi nó, để tụi nó ghét và không tiếp xúc với mình". Hình tượng xây dựng thành công. Trong mắt cả lớp, và cả khối, M.N nổi tiếng là chảnh, sốc và không ai thèm bắt chuyện.
Học thêm điên cuồng
Năm lớp 11 có lẽ là năm teens học dữ dội nhất. Bởi ngoài giờ học chính khóa đặc kín 5 tiết mỗi ngày, học sinh còn phải học tăng tiết, số tiết nhiều hơn nếu là lớp chọn, rồi còn học nghề, học thể dục trái buổi, chưa kể còn "tự nguyện" đi học thêm 3 môn! Một số "dữ dội" hơn, kiêm luôn môn Anh Văn để trau giồi khả năng giao tiếp!". Ở lớp A1 trường N, hầu như ai cũng đi học thêm, bắt đầu học từ 7h sáng và kết thúc lúc 10 giờ tối, sau đó "chong đèn" ngồi đến 12h, ngủ 4 tiếng đồng hồ rồi dậy sớm học bài, vòng lặp cứ diễn ra bất tận...
Không biết học thêm hiệu quả đến đâu mà các "mọt" dần dần cảm thấy uể oải, không tiếp thu được bài trên lớp, lười giao tiếp với bạn bè và lúc nào cũng ôm những cuốn tập và "tụng" bài (vì hôm qua học không vô).
Không bao giờ hài lòng về mình
Khi được điểm 9, 10 thì bình thường, nhưng nếu bị điểm xấu, thậm chí điểm 7, thì trong tình trạng sầu não, hụt hẫng, ê chề. Vì vậy, nản lắm luôn khi bạn bè phải ngồi lắng nghe "mọt" nói toàn chuyện học tập, điểm số khi giao tiếp.
Ai mà không muốn mình đạt thành tích cao trong học tập, nhưng nếu muốn thế thì phải có phương pháp học tập thật khoa học. Khả năng thật sự phải đi liền với điểm số của mình, không phải vớt vát từ một số sơ suất nào đó. Tuổi học trò không có một chút kỉ niệm nào ư, khi teen không muốn níu kéo và mãi chạy theo tham vọng vô bờ bến của mình?