Một tuần 2 buổi học rốt cuộc trở thành “thiên đường vui chơi, hẹn hò” của cô nàng. 10 triệu tiền học phí coi như mất trắng...
Bắt bệnh những kẻ “í ẹ” ngoại ngữ
Suốt 8 năm học tiếng Anh như trẻ cấp 1, Ngọc Anh đổ tội cho việc không tìm được giáo viên phù hợp và học tiếng Anh với người Việt sẽ chẳng có cơ hội “thăng tiến” nên quyết tâm kêu gọi gia đình “đầu tư” cho đi học ở ACET. Một khóa học ở đây ngốn gần chục triệu nhưng không phải là vấn đề khó khăn với gia đình Ngọc Anh. Sau khi thi đầu vào, cô nàng chễm chệ ngồi trong lớp...1 của trung tâm - lớp dành cho học viên mở đầu. Mới vào nhận lớp, Ngọc Anh cực kỳ thích thú vì được nghe giáo viên người bản địa nói mặc dù chẳng hiểu gì, được phát bài tập về để…khoe với chúng bạn. Đặc biệt là ở lớp, cô nàng quen được với một bạn nam hơn mình 3 tuổi, đi Dylan. Và thế là một tuần 2 buổi học trở thành “thiên đường vui chơi, hẹn hò” của cô nàng để rồi rốt cuộc gần 10 triệu gia đình bỏ ra đã bay theo lá mùa thu.
Yến, bạn cùng lớp với Ngọc Anh tuy không có đầy đủ điều kiện để theo học tại các trung tâm lớn, có giáo viên bản ngữ và học phí ngất trời nhưng trong lớp, thậm chí cả khối không ai không biết danh Yến A3 - trùm Anh văn với điểm phẩy không dừng ở con số 9. “Theo mình tự học tiếng Anh vừa khó lại vừa dễ, nói thẳng ra là dễ với các bạn chịu khó, thích mày mò, học hỏi và không ngại nói. Ở nhà mình luyện rất nhiều bài tập ngữ pháp, đồng thời ra chỉ tiêu để học từ vựng mỗi ngày. Khi rảnh rỗi mình sẽ tự thưởng bằng một ca khúc tiếng Anh hay xem phim trên Starmovie có phụ đề. Vì không có điều kiện và cũng chưa thấy cần thiết cho lắm nên mình không học tiếng Anh tại các trung tâm lớn như BC, AC hay LL…Học tại các TT này với những người có ý thức tự giác và vẫn tuân theo tôn chỉ của dân học tiếng Anh là ham hỏi, ham nói thì chắc chắn sẽ tiến bộ rất nhanh còn nếu không chỉ sôi hỏng bỏng không mà thôi!”
Thu Hòa, một teen 12 từng theo học tiếng Anh ở trung tâm Apollo chia sẻ quan điểm: “Việt Nam chúng ta đã đào tạo cho học sinh rất kỹ càng và nhuần nhuyễn về lý thuyết nhưng sự thật chúng ta luôn thua các nước bạn trong kỹ năng thực hành. Và sau 12 năm học tiếng Anh trên ghế nhà trường, mình nhận ra rằng cho dù mình làm phần writing có tốt đến đâu thì kỹ năng giao tiếp của mình vẫn chỉ bằng 0 hoặc 1. Khi gặp khách nước ngoài, rất ít học sinh Việt Nam có thể nghe, hiểu và trả lời vì kỹ năng “bật” và ghép câu quá kém, hơn nữa chỉ những bạn có ý định lấy chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL mới luyện kỹ năng nghe bài bản, cẩn thận để có thể hiểu “tiếng” người bản địa nên hầu như teen Việt Nam kém noại ngữ vì chưa biết tự trau dồi.”
Quốc Trung, một Amser 12 cũng có cùng quan điểm: "Mình thấy điểm mấu chốt khiến học sinh Việt Nam nói và học tiếng Anh “khó” là vì quá lúng túng và ngại phải thể hiện mình trước đám đông. Họ ngại nói vì sợ sai, sợ bị chê cười và bộc lộ ra điểm yếu nhưng sự thật là càng che giấu thì càng không thể giỏi được, kể cả khi có cầu cứu các TT đắt tiền. Vì thế vấn đề cấp bách của chúng ta bây giờ là phải “được nói” và “dám nói”!”
Một cách chữa bệnh hay
Một vài năm trở lại đây, teen Việt bắt đầu rỉ tai nhau về địa chỉ của các CLB tiếng Anh như một liều thuốc quý cho căn bệnh “mù giao tiếp” của các teen học Anh.
“HS-SV chúng ta học tiếng Anh thường có một điểm yếu khá phổ biến: Ngữ pháp và từ vựng thì nắm rất chắc, nhưng khi giao tiếp thì lúng túng như gà mắc tóc. Nguyên nhân đơn giản: trong lớp học ngoại ngữ có một giáo viên với quá nhiều học viên, các bạn có rất ít cơ hội để thực hành giao tiếp. Bớt chút thời gian đến những câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh, thông qua chuyện trò, trao đổi, thuyết trình và rất nhiều các hoạt động thú vị khác, bạn sẽ tìm thấy sự tự tin và hứng thú trong giao tiếp bằng ngoại ngữ.” - Ý kiến của Phương Nguyên (Hà Nội).
Mục đích của các CLB này là giúp các thành viên nâng cao khả năng giao tiếp, suy luận và thực hành tiếng Anh. Các nhóm được phân ra sẽ tham gia thảo luận về các đề tài được thông báo trước để đảm bảo mọi người đều có thể tìm hiểu phục vụ cho quá trình thảo luận. Các đề tại được chọn thì đảm bảo rất đa dạng và lôi cuốn, từ các món ăn truyền thống, cách giành học bổng, bí quyết vượt qua một cú sốc hay thậm chí là…cách cưa đổ một cô gái. Tất cả quá trình này đều được thực hiện bằng tiếng Anh, nếu chưa biết từ hoặc không biết giải thích thế nào, các bạn có thể diễn giải dưới nhiều hình thức, nhưng điều tối quan trong là đừng vì bí quá mà dùng tiếng Việt. Trong khi các nhóm làm việc hăng say, bạn vẫn có thể làm quen được với những người bạn mới, nhưng bắt buộc là phải nói tiếng Anh đấy nhé!
Nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh, ngày càng có nhiều bạn trẻ rủ nhau đến các CLB này khiến cho thành phần CLB rất đa dạng. Bên cạnh số đông là học sinh, sinh viên, có rất nhiều người đã đi làm với rất nhiều các ngành nghề như kỹ sư, giáo viên, PR, người mẫu…
Bởi vậy, bên cạnh việc nâng cao kỹ năng nói tiếng Anh, các thành viên còn có thêm cơ hội mở rộng mối quan hệ, gặp gỡ và học hỏi các mem khác về học tập, các vấn đề xã hội và cả kinh nghiệm sống nữa.
Hoàng Nam, sinh viên năm 2 đại học Ngoại thương tâm sự “Lúc mới vào ai cũng bỡ ngỡ như ai nhưng rồi quen dần, các bạn sẽ tự nhập cuộc được, cố gắng luyện nói, luyện nghe, luyện vốn từ để theo kịp các member khác. Với mình, CLB tiếng Anh như một gia đình lớn, một điểm hẹn lý tưởng vào dịp cuối tuần để giải trí, thư giãn mà vẫn học được tiếng Anh.“