Vừa lãnh thưởng được gần 50 cuốn tập mà nhỏ em họ tôi vẫn vòi ba mẹ mua thêm 10 cuốn tập 200 trang cỡ lớn.
Hỏi thì nó bảo: "Em toàn được lãnh thưởng tập 100 trang nhỏ, giấy xấu lắm, xài tập cỡ lớn cho nó tiện...". Nghe qua, tôi thoáng buồn.
Phải nên bắt đầu từ đâu nhỉ...À, quay ngược thời gian là tốt nhất. Lần nọ, trong một tiết học Anh Văn, thầy bất ngờ trước cảnh học trò xé giấy roạt roạt từ tập trắng để làm bài kiểm tra, có bạn còn "hào phóng" cho mấy bạn khác. Cuốn tập vì thế mà mỏng te, viết chẳng được bao nhiêu, lại không được các bạn giữ gìn nên gần rách bìa. Thầy chậm rãi nói: "Khi thầy còn đi học, làm gì có tập như mấy em bây giờ. Tập hồi ấy một mặt kẻ ô, một mặt nhẵn láng, đầy xác mía, viết lem luốc, nhưng được vậy là rất mừng. Đến hè thì xé bỏ những trang giấy còn thừa để đóng lại thành một cuốn tập mới, các tờ giấy không đồng bộ, đã xấu nhìn còn xấu hơn, nhưng nếu không làm vậy thì không có tập để mà học".
Cả lớp im lặng, ai cũng tỉ mẩn nhìn lại những quyển tập trắng tinh tươm, dày, sực nức mùi hương của mình.
Thầy chậm rãi nói tiếp: "Ai học cực giỏi thi khi lãnh thưởng chỉ được độc nhất 3 quyển tập đấy các em ạ. Tập của Liên Xô, bên nước mình thời ấy không có đâu. Giấy dày, đẹp tuyệt, đẹp đến nỗi chữ ai xấu, viết vào nhìn vẫn đẹp....Ai được lãnh thưởng 3 quyển ấy đều không dám xài, chỉ giữ làm của vì nó quá hiếm, quá quý..."
Thế nhưng thầy còn may mắn khi sở hữu ba quyển tập ấy đấy, chứ ba mẹ tôi, học trong một ngôi trường ở nông thôn, chưa bao giờ được một quyển tập tốt, có tập là may, là quý lắm rồi, chứ đừng nói đến những thứ xa xỉ như giấy bao, giấy kiếng...Có lần dì Hai tôi đi làm, không biết tìm đâu ra vài quyển tạp chí thật đẹp, mang về nhà bao tập, mẹ tôi cùng mấy dì đều sướng rơn, vì có được mấy trang bìa bóng loáng đẹp mắt.
Mẹ tôi từng nói: "Hồi đó, thầy giáo không bao giờ cho bọn mẹ xé tập, thầy bảo nếu viết sai, viết dơ thì ghi chữ bỏ ở kế bên rồi sang trang viết tiếp, hoặc gạch đi những lỗi sai, chứ nhất quyết không được xé tập. Ngay cả khi học xong, còn không dám bán ve chai, giữ lại như một báu vật đấy con à...Có khi, bà ngoại chắt chiu được vài đồng, mua được vài cuốn tập, ai ngoan thì ngoại thưởng cho, vui phải biết..."
Còn bây giờ thì sao nhỉ? Như tôi là một minh chứng về sự "phá sản". Cấp 2, năm nào tôi cũng được thưởng tập, chất đống. Tập nhiều đến mức cho tôi và thằng em xài đến lên đại học vẫn còn. Bởi vậy tôi đâu biết trân trọng, lâu lâu lấy vài cuốn xé nháp gấp máy bay chơi. Thằng em cao tay hơn một chút, lấy tập ra vẽ...cứ một tờ giấy là vẽ đại một thứ gì đó, chỉ duy nhất một mặt, cứ thế vẽ cho hết tập. Phí như thế nên từ đó nháp cũng rất nhiều, cuối năm tôi soạn ra được một đống nháp, nhưng chẳng cần phải đóng lại thành quyển tập như thời xưa, mà...đem đi bán ve chai, dù giấy chưa hề được sử dụng để viết!
Đã vậy, còn mua thêm vài cuốn 200 trang, vì theo tôi và nhỏ em, "vậy cho nó tiện, chứ xài tập 100 trang, mỏng nên mau hết lắm". Ba mẹ thì nào có nề hà gì chuyện học tập của các con, cứ học là mua cho hết, nhưng thoáng buồn, vì "tụi nhỏ không hiểu được giá trị từ những trang vở"...
Tập thời buổi này cũng không rẻ, nhưng cũng bắt buộc phải mua để học. Nhỏ em khệ nệ bưng chồng tập về, mặt hí hửng. Vài đứa bé hàng xóm ngó nghiêng qua. Một đứa nói với ai đó không rõ: "Hết hè không biết ba mẹ mình có tiền mua tập chưa ha, hay phải lấy nháp đóng lại thành tập xài tiếp nhỉ?"- Tôi ngỡ ngàng...
Chiều hôm ấy, tôi lại dọn dẹp góc học tập. Lại một chồng giấy nháp nữa, cỡ đến gần 20 quyển tập chứ không ít. Tôi, tỉ mỉ và chu đáo, đóng lại thành từng cuốn tập y như mới, giấy đồng nhất chứ không tạp nham, sau đó lấy ra trong tủ thêm 20 quyển tập...Tôi đến từng ngôi nhà xập xệ của tụi nhỏ ban nãy với đứa em, và đưa cho mẹ chúng.
Phải nói rằng mẹ chúng vui không thể tả, nhưng có lẽ chúng vui hơn rất nhiều...
Lần đầu tiên chúng tôi hiểu được giá trị của những quyển tập...